Việt Nam nhập khẩu giấy chủ yếu từ thị trường Trung Quốc đại lục, chiếm 19,2% tổng lượng nhóm hàng, đạt 158,5 nghìn tấn, 139,1 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 8,48%, nhưng kim ngạch tăng 7,44%, bởi giá nhập bình quân 877,5 USD/tấn tăng 17,4%. Bởi gần đây giá giấy nguyên liệu tăng mạnh (10% với giấy mặt, 30 – 40% với giấy sóng) khiến các doanh nghiệp sản xuất bao bì lao đao.
Tại hội nghị khách hàng ngành sản xuất giấy KRAFT các tỉnh phía Bắc, vừa diễn ra, các doanh nghiệp bao bì cho biết, thời gian gần đây các nhà buôn Trung Quốc đến tất cả các nhà máy sản xuất giấy bao bì lớn nhỏ của VN đặt mua hết giấy với giá mua cao hơn giá bán trong nước 1,5 – 2 triệu đồng/tấn, thậm chí còn ứng tiền trả trước nên nhiều nhà máy sản xuất giấy từ chối doanh nghiệp nội địa để bán cho thương lái Trung Quốc.
Chấp nhận tăng giá, nhưng nhiều DN vẫn thiếu giấy sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp bao bì đứng trước nguy cơ phá sản
Cách đây 3 tháng, giá giấy sóng (lớp bên trong thành bao bì) từ 9.500 – 10.000 đồng/kg nay đã lên 11.000 – 11.500 đồng/kg. Còn giấy để làm bề mặt cách đây 3 tháng do Nhà máy Giấy Việt Trì bán ra là 10.500 đồng/kg thì nay cũng đã lên 11.500 đồng/kg.
Bà Phạm Thị Ngân – GĐ Cty bao bì Lâm Việt An cho biết, trước khi làm bao bì, doanh nghiệp đã làm giấy. Hiện tại, mỗi tháng doanh nghiệp nhập khoảng 1.000 tấn giấy. Giá thì tăng chóng mặt, báo 3 giá trong vòng 3 ngày, tối hôm trước báo giá 89, hôm sau đã lên105.
Mặc dù giá giấy tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp bao bì lại không thể tăng giá sản phẩm. Bởi, cạnh tranh trong ngành bao bì rất lớn, không thể thay đổi giá liên tục theo giá giấy với khách hàng được. Hơn nữa, hầu hết hợp đồng cung cấp bao bì được ký từ 6 tháng đến 1 năm, và đều có điều khoản 3 – 6 tháng không tăng giá.
Giải pháp từ sự hợp sức
Ông Nguyễn Ngọc Sang – Chủ tịch Hiệp hội bao bì Việt Nam chia sẻ, Trung Quốc là một thực tế không thể lảng tránh. Họ đang nỗ lực nâng chất lượng giấy của họ lên. Tại Trung Quốc, các nhà máy giấy chất lượng thấp, gây ô nhiễm môi trường đã bị đóng cửa. Mặt khác, Trung Quốc “khát” giấy thì toàn thế giới sẽ “khát” giấy và cơn bão giá ắt sẽ đến việt Nam. Rất có thể, Trung Quốc sẽ còn mua vét đến cả lượng giấy mà doanh nghiệp đã nhập từ nước ngoài về.
Hiện nay, nơi cung cấp giấy nguyên liệu chủ lực cho ngành bao bì là khu làng nghề ở Bắc Ninh lại chủ yếu tái chế từ nguyền giấy phế liệu. Hơn nữa, do Việt Nam là nước xuất khẩu, 70 – 80% bao bì sản xuất phục vụ cho việc xuất khẩu hàng công nghiệp và khối lượng này “một đi không trở lại”. Ông Nguyễn Văn Hiện – GĐ Cty CP giấy Việt Trì cho rằng, sở dĩ có việc giá giấy tăng là do thị trường không cầm trịch được giá nguyên liệu. Không bình ổn được đầu ra. Các nhà máy giấy cứ mọc lên nhưng không rõ ràng nguyên liệu lấy từ đâu.
Bà Ngân – GĐ Cty bao bì Lâm Việt An đề xuất: “Trước tình hình hiện nay, một số doanh nghiệp bao bì đứng ra thành lập cơ sở giấy để phục vụ doanh nghiệp mình. Việc đầu tư một nhà máy bột giấy, sản xuất giấy quy mô tuy cần nhiều vốn nhưng các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể hợp sức để làm”.